Hỏi:
Bác sĩ cho tôi hỏi: bé gái nhà tôi 3 tháng tuổi, nhưng cháu đi phân rất ít. Phải 3 ngày cháu mới đi một lần. Mỗi lần đi phân của cháu màu vàng và rất rắn. Cháu đánh hơi nhiều lần trong một ngày. Bác sĩ cho tôi hỏi tình trạng của cháu như vậy có phải táo bón không? Làm cách nào để cho cháu đi đều hơn? Có nên cho cháu uống thuốc kích thích không? (Phạm Ngọc Oanh – Đông Anh, Hà Nội)
Đáp:
Trẻ sơ sinh bị táo bón quấy khóc
Bé nhà bạn đi ngoài phân rắn, 3 ngày đi một lần. Như vậy là cháu bị táo bón rồi. Khi bé bị táo bón thì việc bơm thụt hậu môn hoặc dùng thuốc chỉ nên thực hiện khi thực sự cần thiết. Nếu lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho phản xạ tự nhiên của cơ hậu môn sau này, làm cho tình trạng táo bón càng nặng hơn.
Cách khắc phục tình trạng táo bón ở trẻ
Để khắc phục tình trạng táo bón cho bé, bạn nên thực hiện theo một vài giải pháp dưới đây:
- Ngoài bú mẹ, bạn cho bé uống thêm 100 – 200ml nước hàng ngày. Khi bé bắt đầu ăn dặm (6 – 12 tháng) thì uống 200 – 300ml nước/ngày.
- Vì bé bú mẹ nên bạn phải áp dụng một chế độ ăn nhiều rau xanh hoa quả, uống nhiều nước như sau: ăn nhiều các loại rau có tính chất nhuận tràng như khoai lang, mồng tơi, rau dền, cải, vv…; các loại hoa quả như: chuối tiêu, đu đủ, bưởi cam, quýt, thanh long, vv… Khi bé bị táo bón, bạn không nên ăn cà rốt, hồng xiêm, táo.
- Xoa bụng cho trẻ bị táo bón: Bạn nên xoa bụng cho trẻ theo chiều khung đại tràng từ phải qua trái, ngày 3 – 4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn. Cách làm như sau: đặt trẻ nằm ngửa, bạn ngồi đối diện ở bên phải trẻ, bàn tay phải của bạn đảm bảo đủ ấm, đặt lên bụng trẻ, sao cho toàn bộ lòng bàn tay của bạn tiếp xúc với da bụng của trẻ, bắt đầu từ góc bụng bên phải của trẻ, bàn tay bạn xoa miết nhẹ nhàng sang góc bụng bên trái, rồi lại chuyển bàn tay về góc bụng phải và tiếp tục xoa miết như trên khoảng 10 – 20 cái/lần.
- Vệ sinh đại tiện: tập cho bé đại tiện đúng giờ quy định. Bé còn nhỏ thì xi ị hoặc cho bé ngồi bô vào một giờ nhất định trong ngày.
- Nếu bé có bú sữa ngoài, bạn nên chọn cho bé loại sữa dành cho trẻ bị táo bón, có bổ sung thêm chất xơ. Bạn nên pha sữa theo đúng tỷ lệ quy định của từng loại sữa, có thể pha loãng hơn một chút.
- Khi bé bắt đầu ăn dặm, nên cho bé ăn thêm rau xanh (thái nhỏ và nấu lẫn bột, chọn những loại rau có tính nhuận tràng như mồng tơi, rau dền, vv…) và nước ép hoa quả (đủ đủ, cam, quýt, vv…). Chú ý cho bé uống thêm nước khi đã bắt đầu ăn dặm và nhất là sau khi trẻ nô đùa nhiều, toát mồ hôi.
Nếu bạn đã làm như trên mà bé vẫn bị táo bón kéo dài trên 1 tuần, hoặc gây ảnh hưởng đến tiêu hóa làm cho bé kém ăn, gầy sút, chậm tăng cân, vv… thì bạn nên cho bé đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Xem thêm: Thực đơn của bé